Giáo sư Chu Minh Thanh là người Mỹ gốc Hoa và là người sáng lập ra “Đầu Châm Chu Thị” nổi tiếng thế giới. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Châm Cứu khóa đầu tiên của Đại Học Trung Y Thượng Hải vào năm 1964.
Vào ngày 14 tháng 11 năm 1987, tại Hội nghị Trao Đổi Học Thuật của Hiệp Hội Châm Cứu Thế giới lần thứ nhất ở Bắc Kinh – Trung Quốc, Giáo sư Chu đã sử dụng Đầu Châm, điều trị tại chỗ cho hai bệnh nhân đột quỵ sớm (giai đoạn phục hồi) của Khoa Thần kinh -Bệnh viện Đa khoa Bộ Chỉ huy Quân sự Bắc Kinh.
Một bệnh nhân bị nhồi máu não 40 ngày, liệt tứ trái, cơ lực chỉ còn 1-2, sau 15 phút châm cứu, ông có thể đứng một mình.
Bệnh nhân còn lại bị xuất huyết não hơn 1 tháng, liệt nửa người, cơ lực 0, sau 30 phút châm cứu, có người đỡ nhẹ, bệnh nhân đã chầm chậm đi được, gây sốc cho hơn 600 đại biểu đến từ 56 nước tham gia hội nghị.
Năm 1988, Giáo sư Chu tổ chức các hội thảo Đầu Châm toàn quốc ở Bắc Kinh, Phúc Xuyên, Chiết Giang, Ninh Ba, Kim Hoa và những nơi khác để dạy các kỹ thuật Đầu châm độc đáo của ông. Khi hành nghề y ở Phúc Kiến, tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của ông đã gây chấn động địa phương dẫn đến phong trào điều trị bằng châm cứu, bệnh nhân đã xếp hàng dài vô tận. Các phương tiện truyền thông địa phương đã gắn cho Giáo sư Chu với danh hiệu “Chu Thần Châm”.
Vào tháng 1 năm 1989, Giáo sư Chu được mời thuyết trình ở Seattle, California, San Francisco, New York, Kentucky và những nơi khác ở Hoa Kỳ, và dạy về Đầu châm. Cùng năm, ông được mời đến Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Hong Kong, Singapore và các quốc gia khác để thuyết trình.
Trong buổi trao đổi học thuật tại Học viện Trung Y Dược ở Đài Loan, Giáo sư trực tiếp châm cứu cho bệnh nhân đột quỵ. Ba bệnh nhân đột quỵ liệt nửa người đã có thể đứng và đi lại tại chỗ sau 30 phút ngắn ngủi – khiến tất cả các bác sĩ, sinh viên, và các phóng viên có mặt đều bị sốc. Giới truyền thông đổ xô đưa tin về tác dụng thần kỳ của châm cứu.
Nhờ kỹ thuật Đầu châm kỳ diệu của Giáo sư Chu, nhiều người nổi tiếng cũng đã mời ông đến chữa trị. Tướng Tưởng Vĩ Quốc của Đài Loan, Viện trưởng Tôn Vận Tuyền cũng đều được ông chữa trị.
Giáo sư Chu định cư ở California vào năm 1990.
– Ông hiện là chủ tịch của Quỹ Đầu Châm Chu Thị USA.
– Cố vấn chính và bác sĩ chính của “Trung tâm châm cứu thần kinh Chu Thị”
– Chủ tịch “Tổ chức nghiên cứu và đào tạo Đầu Châm Chu Thị ”
– Giáo sư Đại Học Trung Y Dược Nam Kinh
– Giáo sư hướng dẫn tiến sĩ của Đại học Trung y Portland ở Oregon – Hoa Kỳ
– Hướng dẫn lớp bổ túc Đại Học Trung Y Dược Phúc Kiến
Giáo sư Chu cho rằng trên thế giới chỉ có “Y học con người” mà không có sự phân biệt giữa Đông Y và Tây Y. Trong “Y học con người”, tự chăm sóc bản thân là phương pháp điều trị cốt lõi và cơ bản nhất. Thông qua chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, chúng ta có thể đạt được trạng thái sức khỏe tốt nhất của cái gọi là “hình thể và tinh thần” trong Nội Kinh.
Khi bệnh không tự khỏi, phương pháp điều trị ít can thiệp nhất, ít tác dụng phụ nhất và phạm vi thích ứng rộng nhất được lựa chọn. Châm cứu chắc chắn là lựa chọn hàng đầu để đáp ứng các điều kiện này.
Đầu châm kích thích khí và huyết của chính cơ thể người bệnh tự điều chỉnh và sửa chữa, châm cứu là cách tốt nhất để điều chỉnh khí và huyết của cơ thể.
Hơn mười năm trước, khi nghiên cứu tế bào gốc chưa quen thuộc với mọi người, giới y khoa thường cho rằng tổn thương hệ thần kinh trung ương không thể phục hồi được. Bệnh nhân bị tổn thương tủy sống phải chấp nhận số phận ngồi xe lăn suốt đời. Giáo sư Chu phản đối chủ nghĩa bi quan này. Ông đã thông qua lâm sàng để chứng minh rằng việc sử dụng Đầu châm trong giai đoạn cấp tính của bệnh có thể đạt được mức độ phục hồi lớn. Đầu châm đầu có thể kích thích hệ thống thần kinh-nội tiết thông qua não, để cơ thể bị tổn thương có khả năng tự chữa lành.
Cho đến nay, Giáo sư Chu vẫn mang trong mình sứ mệnh trẻ hóa ngành châm cứu và quảng bá văn hóa châm cứu, ông đã không ngừng đi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới.
Ngày nay, việc kế thừa các kỹ năng châm cứu và châm cứu đang đối mặt với số phận mai một, Giáo sư Chu chuyên về lâm sàng cho biết, khi rảnh, ông vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động giảng dạy kế thừa học thuật.
_______________________
Thủ pháp châm:
Vì là châm trên đầu nên sẽ rất đau nếu vê kim theo cách thông thường, Giáo sư giản hóa thủ pháp Bổ và tả thành 2 thủ pháp chính là Trừu Khí Pháp và Tiến Khí Pháp. Dựa trên 2 kỹ thuật của Thiêu Sơn Hỏa và Thấu Thiên Lương
Trừu khí pháp:
Bước 1: Giữ kim nghiêng một góc 15 ° so với da đầu.
Bước 2: Dùng lực ngón tay đâm nhanh đầu kim vào da, sau khi kim đi vào lớp tế bào dưới da.
Bước 3: Đưa thân kim nằm ngang, tiếp tục từ từ đâm kim vào 1 thốn.
Bước 4: Đột ngột rút mạnh kim ra, đảm bảo giữ yên thân kim khi rút lên đột ngột.
Bước 5: Lặp lại động tác, đưa kim vào chậm và rút ra nhanh, kéo dài 1 phút hoặc đến khi đắc khí.
Tiến khí pháp:
Bước 1: Giữ kim nghiêng một góc 15 ° so với da đầu.
Bước 2: Dùng lực ngón tay đâm nhanh đầu kim vào da, sau khi kim đi vào lớp tế bào dưới da.
Bước 3: Đưa thân kim nằm ngang, tiếp tục từ từ đâm kim vào 1 thốn.
Bước 4: Đột ngột đâm kim vào sâu hơn, đảm bảo giữ yên thân kim khi đâm đột ngột.
Bước 5: Chầm chậm rút ra và lặp lại động tác, đột ngột tiến kim vào nhanh và rút ra chậm, kéo dài 1 phút hoặc đến khi đắc khí.
_______________________
Đạo Dẫn Và Thổ Nạp:
Cũng giống Động Khí Châm Pháp của Đổng Thị, trong khi lưu kim Giáo sư Chu nhắc nhở bệnh nhân hít thở (Thổ Nạp) và chú trọng vận động vùng bị bệnh (Đạo Dẫn). Đông Y cho rằng: Khí chủ huyết, khí hành thì huyết hành, nhưng khí muốn hành được thì trước tiên cần có thần ý làm chủ, thế nên cổ nhân có câu: “Ý dẫn khí, ý đến thì khí đến, ý hành thì khí hành, ý đến thì huyết đến”. Vì vậy phải bảo bệnh nhân cố gắng tập trung toàn bộ tinh thần để vận động những nơi bị liệt, và người bên cạnh cần hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân.
Chú ý trong quá trình vận động, tùy theo bệnh, tùy theo người, bình thường cường độ từ nhẹ đến nặng, số lần từ ít đến nhiều, tốc độ từ chậm đến nhanh, biên độ từ hẹp đến rộng. Tóm lại, dựa vào mức độ chịu đựng của bệnh nhân, đừng tạo ra những đau đớn không cần thiết cho bệnh nhân.
_______________________
Lưu kim:
Thời gian lưu kim từ 2-48 tiếng, nói chung lưu kim càng lâu thì hiệu quả càng tốt
_______________________
Kỹ thuật châm:
1. Bàng thích: 1 kim ở chính giữa, 1 kim ở bên cạnh, tổng cộng là 2 kim, có thể tăng cường tác dụng châm cứu.
2. Tề thích: 1 kim ở trung tâm, 2 kim 2 bên, tổng cộng là 3 kim, để tăng cường tác dụng của châm cứu.
3. Tiền hậu đối thích: Trong phương pháp này, một kim trước một kim sau, châm 2 kim sao cho 2 mũi kim hướng vào nhau và cách nhau một khoảng nhất định. Được sử dụng khi bị đau 1 tạng nào đó, ví dụ: Đau dạ dày.
4. Thượng hạ đối thích: Hai kim châm cùng lúc và ngược chiều nhau, đồng thời di chuyển kim. Một kim hướng lên trên và một kim hướng xuống dưới, hiệu quả tốt và nhanh. Thường được áp dụng cho các bệnh đau cấp tính.
5. Giao thoa thích:
5.1 Tam Châm Giao Thoa: Phương pháp này thường được áp dụng cho các huyệt đạo trên mạch Đốc, ví dụ khi bệnh nhân liệt nửa người và đồng thời xảy ra rối loạn vận động và cảm giác ở cả 2 chi thì châm cứu theo phương pháp này. Có thể châm 1 kim sau 1/4 vùng đỉnh trán thì 2 kim còn lại châm vào vùng đỉnh thái dương, tạo thành 3 kim bắt chéo trên mạch Đốc nhằm mục đích mở rộng phạm vi điều trị của các huyệt đạo.
5.2 Nhị Châm Giao Thoa: Hai kim vuông góc, thường được áp dụng cho vùng thái dương bằng 2 kim xuyên nhau.
6. Tiếp lực thích: Các kim châm sát nhau, cùng nhau tạo thành một đường dài. Phương pháp này thường được áp dụng cho vùng da đầu và các huyệt của cùng 1 tuyến điều trị ở nhiều bộ phận bị ảnh hưởng. Ví dụ liệt tay, chân và mặt bên trái được áp dụng trên vùng thái dương đỉnh.
Lược dịch: Bác sĩ Nguyễn Văn Trỗi