Liệt mặt ngoại biên là liệt toàn bộ các cơ ở một bên mặt, gồm mặt trên và mặt dưới, do liệt dây thần kinh sọ số VII. Thường gặp nhất là liệt mặt ngoại biên do lạnh. Bệnh có đặc điểm là phục hồi nhanh, song dễ để lại di chứng về vận động, thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Theo mô tả của Fuller và cộng sự : dây thần kinh VII ngoại biên khi thoát ra khỏi lỗ trâm chũm thì chạy rất nông cho đến nhánh xương hàm dưới, sau đó nó đi vào tuyến mang tai và tại đó nó phân làm ba nhánh chính để phân bổ về các cơ mặt .Đó là nhánh gò má (bao gồm nhánh thái dương và gò má), nhánh miệng và nhánh hàm dưới (bao gồm nhánh hàm dưới và nhánh cổ).
Tuy nhiên các nhánh tận và nhánh phụ của dây TKVII có thể lên đến 7000 nhánh nhỏ dẫn đến khắp mặt, cổ, các tuyến nước bọt và ống tai ngoài.
Các dây thần kinh này kiểm soát vận động của các cơ vùng cổ, trán và cơ biểu lộ cảm xúc vùng mặt, cũng như kiểm soát cường độ phát âm.
Dây TKVII cũng đóng vai trò kiểm soát bài tiết nước mắt, nước bọt vùng trước miệng. Kiểm soát vị giác của 2/3 lưỡi phía trước và cảm giác vùng ống tai ngoài.
Tại chỗ phân chia, nhánh thái dương và nhánh gò má chạy dốc lên, nhánh miệng và đặc biệt là các nhánh xương hàm dưới chúi xuống dưới, chạy lên trên hoặc ra sau ngành xương hàm dưới cho nên dễ bị tổn thương khi có sức ép đè vào vùng này. Thêm nữa, tổn thương có thể xảy ra khi có tác động kéo xương hàm dưới ra phía trước làm cho nhánh dây thần kinh mặt đoạn xương hàm dưới bị kéo dãn.
Như vậy tổn thương dây thần kinh số VII phía trước ống Fallop được gọi là tổn thương dây thần kinh VII trung ương.
Và tổn thương từ đoạn ống Fallop trở ra thì gọi là tổn thương thần kinh VII ngoại biên.
Định khu tổn thương
Tổn thương nhân dây VII ở cầu não:
+ Hội chứng Millard – Gubler (tổn thương ở cầu não trước): liệt dây VII ngoại vi bên tổn thương, liệt nửa người trung ương bên đối diện.
+ Hội chứng Foville cầu não dưới:
Hai mắt nhìn sang phía bên liệt nửa người (trừ mặt), đối diện với bên tổn thương.
Liệt mặt ngoại vi cùng phía bên tổn thương.
Liệt nửa người bên đối diện với bên tổn thương (trừ mặt).
Tổn thương dây VII ở góc cầu tiểu não:
+ Tổn thương các dây thần kinh VII, VIII, V và VI kèm theo rối loạn chức năng tiểu não cùng bên, tổn thương bó tháp bên đối diện.
+ Lâm sàng thường biểu hiện bằng liệt mặt ngoại vi kèm theo khô mắt, rối loạn vị giác 2/3 trước lưỡi, điếc, thất điều (bên tổn thương) và liệt nửa người bên đối diện.
Tổn thương dây VII đoạn trong màng não:
+ Liệt dây VII ngoại vi kèm theo khô mắt, rối loạn vị giác 2/3 trước lưỡi, điếc, thất điều (bên tổn thương) và liệt nửa người bên đối diện.
+ Có các dấu hiệu màng não.
+ Có thể thấy tổn thương các dây thần kinh sọ não khác kèm theo.
Tổn thương dây VII đoạn trong xương đá:
+ Tổn thương đoạn trong ống tai trong: Hội chứng ống tai trong gồm liệt dây VII ngoại biên với đầy đủ triệu chứng kèm theo liệt dây VIII.
+ Tổn thương đoạn từ góc cầu – tiểu não tới hạch gối: Liệt nửa mặt ngoại vi kèm theo khô mắt, nghe vang đau và giảm vị giác 2/3 trước lưỡi, khô miệng.
+ Tổn thương ở hạch gối: gây hội chứng hạch gối (hội chứng Ramsay – Hunt) tức là liệt dây VII và dây VII phụ do zona với các biểu hiện lâm sàng:
Liệt dây VII (liệt nửa mặt ngoại vi), liệt dây VII phụ.
Không khô mắt.
Mất vị giác 2/3 trước lưỡi.
Giảm cảm giác vùng ống tai ngoài (vùng Ramsay – Hunt).
Ù tai, thính lực hơi giảm (do liệt cơ bàn đạp, do các mụn nước ở màng nhĩ làm màng nhĩ không căng).
+ Triệu chứng Zona: có những mụn nước kiểu chùm nho ở 2/3 trước lưỡi và màng nhĩ, ống tai ngoài và ở vành tai. Tiến triển nặng lên nếu không điều trị nguyên nhân.
Tổn thương ở trước dây thần kinh cơ bàn đạp:
Liệt nửa mặt ngoại vi không bị khô mắt, rối loạn các cảm giác khách quan vùng ống tai ngoài (Ranssay – Hunt), nghe vang đau ở tai cùng bên, giảm cảm giác 2/3 trước lưỡi, khô miệng.
Tổn thương trước thừng nhĩ:
Liệt nửa mặt ngoại vi, mắt không bị khô, tai nghe bình thường, mất vị giác 2/3 trước của một bên lưỡi, giảm tiết nước bọt.
Tổn thương dây VII sau khi ra khỏi lỗ trâm chũm:
Liệt vận động nửa mặt kiểu ngoại vi đơn thuần, không có giảm tiết nước mắt, không rối loạn thính giác và vị giác, không giảm tiết nước bọt.
Tổn thương dây VII trong tuyến mang tai:
Có thể chỉ có tổn thương một nhánh cùng gây liệt vận động từng phần (phần trên hoặc phần dưới) của nửa mặt cùng bên tổn thương.
Để phân biệt liệt VII NB hay VII TW ta thương dựa vào những dấu hiệu sau:
Dựa vào cấu tạo giải phẫu học của dây VII, chia làm 2 loại:
Liệt mặt thể trung ương: do tổn thương phía trên nhân của dây VII, thường kèm liệt nửa người. Không có dấu hiệu Charles Bell, không bao giờ tiến triển sang thể co cứng.
Liệt mặt thể ngoại biên: do tổn thương hoặc ở ngay nhân nằm trong cầu não hoặc ở đoạn tận cùng phía ngoài. Thường liệt cả mặt trên lẫn mặt dưới, có dấu hiệu Charles Bell, có thể tiến triển thành thể cứng.
Tại sao như vậy? Thử xem qua sơ đồ đường đi dây VII nhé!
Vì nhân thần kinh mặt có 2 phần, nhân bụng ở trên, nhân lưng ở dưới. Nhân bụng nhận được sợi trục của vỏ não cả 2 bên, trong khi đó nhân lưng chỉ nhận được sợi trục từ vỏ não đối bên (hay nói cách khác là vỏ não đối bên cho sợi trục đến cả 2phần của nhân mặt, trong khi đó vỏ não cùng bên chỉ cho sợi trục đến nhân bụng thôi), nhân bụng chi phối cho nửa mặt trên, nhân lưng chi phối cho nửa mặt dưới.
1. Nếu vỏ não cùng bên tổn thương -> Sẽ có sự bù trừ từ bên đối diện -> Mặt không liệt (giống các dây sọ khác).
2. Nếu vỏ não đối bên tổn thương -> Chỉ có sự bù trừ cho nhân bụng từ vỏ não cùng bên, nhân lưng không được bù trừ -> Biểu hiện của liệt mặt trung ương: Liệt 1/4 dưới mặt ĐỐI bên tổn thương.
3. Nếu tổn thương neuron số 2 (từ sau nhân mặt): Biểu hiện liệt mặt ngoại biên: Liệt hoàn toàn nửa mặt CÙNG bên tổn thương.
Theo YHHĐ Thường xuất hiện sau nhiễm lạnh hoặc nhiễm virus (virus herpes simplex týp I và virus herpes zoster) hoặc mycoplasma, bệnh tự miễn, chấn thương khối u hoặc các rối loạn trong xương đá, trong đó nguyên nhân do lạnh chiếm 80%.
Theo YHCT dựa theo nguyên nhân gây bệnh, chia làm 3 loại:
– Liệt mặt do phong hàn (liệt dây TK VII ngoại biên do lạnh).
– Liệt mặt do phong nhiệt (liệt dây TK VII ngoại biên do nhiễm khuẩn).
– Liệt mặt do huyết ứ ở kinh lạc (liệt dây TK VII ngoại biên do sang chấn).
Phong hàn tà xâm nhập các kinh dương vùng đầu mặt.
Qua vùng đầu mặt có mạch Nhâm, mạch Đốc, và các đường kinh dương ( Dương minh Đại trường – Vị, Thái dương Tiểu trường – Bàng quang, Thiếu dương Tam tiêu – Đởm ).
Mạch Đốc chi phối dọc theo đường giữa trán , mũi, môi trên điều hòa toàn bộ phần dương của cơ thể và mặt nói riêng “Hợp cốc đầu diện thu”.
Mạch Nhâm chi phối từ giữa cổ lên đến môi dưới qua 2 nhán vòng giữa má tới mắt chi phối phần âm cơ thể.
Khi khí Dương minh Đại trường bị trở ngại gây miệng méo mắt nhắm không kín.
Khi khí Dương minh Vị bị trở ngại miệng méo xếch , cơ rung giật, tê dại.
Khi khí Thái dương Tiểu trường bị trở ngại gây mắt nhắm không được, cơ mắt liệt.
Khi khí Thái dương Bàng quang bị trở ngại gây mắt trợn ngược, liệt không chuyển động được.
Khi khí Thiếu dương Tam tiêu bị trở ngại gây mắt nhắm không được, lòng đen không chuyển động được, tai đau, ù.
Khi khí Thiếu dương Đởm bị trở ngại gây cơ mắt liệt, lòng đen không chuyển động được, mắt không nhắm được.
Phong hàn truyền vào cơ thể bắt đầu từ đại kinh Thiếu dương đến Thái dương và cuối cùng là Dương minh.
Các Nghiên Cứu:
Vương Hiếu Lợi (1991) chỉ châm huyệt Phong long. Thao tác: người bệnh nằm, dùng kim hào châm dài 3,5 thốn châm nhanh qua da tiến sâu 3 thốn, khi đắc khí thì vê nhẹ, lưu kim 30 phút. Trị liệu 102 ca đạt hiệu quả 98%, khỏi hoàn toàn 75,5%.
Vương Minh Minh (1992) dùng các huyệt Khuyết bồn, Ế phong, Giáp xa, Địa phương, Hạ quan, Tứ bạch. Khuyết bồn châm thẳng hoặc chếch sâu 0,3 – 0 5 thốn, các huyệt khác châm bình bổ bình tả. Trị liệu 80 ca, khỏi 72 ca, đạt hiệu quả 97,5%. Châm cách nhiệt, 7 lần là 1 liệu trình.
Vương Dân Tập (1993) chọn dùng các chủ huyệt : Dương bạch, Toàn trúc, Ty trúc không, Tứ bạch, Hạ quan, Địa phương, Giáp xa, Hợp cốc và các phối huyệt : Ế phong và Hoàn cốt khi có đau và ù tai, Phong trì khi đau cứng cổ gáy, Trung chữ khi đau đầu và chóng mặt, Túc tam lý khi bệnh lâu thể trạng suy nhược. Thủ pháp : châm Địa phương và Giáp xa bên liệt hướng xuyên lẫn nhau, châm Dương bạch, Toàn trúc và Ty trúc không xuyên tới Ngư yêu, châm Tứ bạch nghiêng kim 15 độ xuyên tới Địa thương ; châm tả, lưu kim 30 phút, vê kim 2 lần, bệnh mới châm hàng này, 10 ngày là 1 liệu trình, bệnh cũ châm bổ cách nhật. Hiệu quả trị liệu đạt 98,6%, khỏi hoàn toàn 80,1%.
Hoàng Trí Hoa (1995) chọn Ế phong làm chủ huyệt phối hợp với Hạ quan, Địa thương, Thừa tương, Nhân trung, Giáp xa, Hợp cốc và Túc tam lý. Thao tác: trước hết day xoa Ế phong cho nóng lên rồi châm, nếu bị liệt bên trái thì hướng mũi kim về phía huyệt Khiên chính bên phải và ngược lại. Trị liệu 36 ca đạt hiệu quả 100%, khỏi hoàn toàn 72,2%.
♦️♦️QUAN ĐIỂM KẾT HỢP ĐỔNG THỊ CHÍNH KINH ♦️♦️
Khi tôi là thành viên hội đồng Hiệp hội Đài Loan của Y học cổ truyền Trung Quốc năm 1980, giám đốc của hội đồng quản trị đã bị liệt mặt tại một cuộc họp. Tôi giục anh phải điều trị kịp thời. Ba tuần sau anh gọi cho tôi và hỏi tôi để được giúp đỡ. Tôi hỏi anh ta tại sao anh không điều trị trong ba tuần. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy là giám đốc của Hội đồng quản trị và nhiều bác sĩ đã điều trị cho anh ta theo sáng kiến của riêng họ nhưng không có kết quả. Ông cũng tự điều trị một số loại thuốc thảo dược cho chính mình mà cũng không có tác dụng.
Tôi đã cho anh ta điều trị bằng cách chích Máu niêm mạc miệng của bên bị bệnh hai lần và ông đã được chữa khỏi hoàn toàn. Báo cáo trường hợp này đã được công bố hàng năm của Y học cổ truyền Trung Quốc năm 1981. Có nhiều ví dụ như vậy. Trong số tất cả các trường hợp liệt mặt, em bé mới sinh được vài tháng tuổi. Để điều trị, tôi cũng sử dụng chích máu trị liệu. Điều trị lần hai sau 3-4 ngày.
Có một điều tôi muốn làm rõ:
♦️ Nếu thao tác quá nhiều hoặc kích thích điện có thể gây ra co giật cơ mắt như một di chứng. Các dây thần kinh mặt nằm sát bề mặt và nên châm vào phần nông . Không nên vê kim nhiều để tránh bị kích thích quá mức.
♦️ Điều trị không đúng cách, đặc biệt kích thích mạnh và kéo dài có thể gây ra di chứng khó chữa, dẫn đến co giật mắt hoặc các cơ quanh mắt, thậm chí là nhược cơ đặc trưng là khó mở mắt.Tuy nhiên, tôi thường chọn các huyệt ở xa để chữa liệt mặt.
♦️ Tình trạng bệnh lý có thể trở nên tồi tệ hơn sau lần điều trị đầu tiên. Điều này nó phù hợp với giai đoạn tiến triển của bệnh . Tuy nhiên, với việc tiếp tục điều trị, tình trạng sẽ không trở nên tồi tệ hơn mà sẽ giảm dần. Điều này nên giải thích cho bệnh nhân trong tuần điều trị đầu tiên.
Tôi đã từng bị liệt mặt. Vào mùa đông năm 1994, tôi được mời bởi giám đốc của Hiệp hội Châm cứu Đài Loan để cùng với các đại biểu Hiệp hội HongKong của Y học Trung Quốc đi ăn tối. Tám người uống 3 chai rượu tây. Tôi thường không uống rượu, nhưng tôi đã uống rất nhiều đêm đó. Tôi đã bận viết bài cho một tờ báo đặc biệt trong vài đêm . Tôi cũng có nhiều bệnh nhân đến phòng khám của tôi vào ban ngày và tôi rất mệt mỏi. Trong bữa tối đó, tôi đang ngồi gần máy điều hòa . Đột nhiên, tôi cảm thấy bất thường như tê và cứng trên mặt. Một số người ngồi bên cạnh nói với tôi rằng khuôn mặt của tôi bị lệch.
Ngay lập tức, tôi về nhà và yêu cầu một trong những môn đệ của mình chích máu huyệt Thượng Cự Hư, Túc Tam Lý. Sáng hôm sau, tình trạng còn tồi tệ hơn.
Tôi tiếp tục làm việc trong phòng khám vào ban ngày với một miếng cao dán trên mặt. Sau khi điều trị vào ngày thứ ba, tình trạng bắt đầu cải thiện.
Sau đó tôi yêu cầu môn đệ của mình thực hiện chảy máu nhiều hơn. Đến ngày thứ tư, hầu hết các sai lệch đã được sửa chữa. Tôi được điều trị bằng châm cứu hai lần một ngày và chích máu mỗi ngày một lần theo như phương huyệt phía trên.
Ngoài ra, tôi đã dùng Quế Chi gia Cát Căn phối hợp với Khiên Chính Tán. Đến ngày điều trị thứ tư bệnh gần như đã khỏi và ngày thứ năm bệnh đã khỏi hoàn toàn. Nhiều người đã không tin rằng tôi đã được chữa khỏi trong bốn ngày.
Tuy nhiên, tôi được điều trị hai lần một ngày, trong bốn ngày; điều trị này tương đương với điều trị thường xuyên trong tám ngày, và do đó có hiệu quả. Một phóng viên đã báo cáo trường hợp của tôi trên báo và hàng chục bệnh nhân bị liệt mặt đã đến tìm tôi sau một tuần đăng bài . Tôi thấy rằng có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh này.
Nếu thời gian của bệnh kéo dài hơn 3 tuần, bệnh nhân cần uống thuốc Bổ Dương Hoàn Ngũ Thang phối hợp với Khiên Chính Tán. Nếu thời gian mắc bệnh hơn một tháng thì khó điều trị hơn. Nhìn chung, các huyệt tại chỗ ví dụ như Địa Thương và Giáp Xa là không hiệu quả. Đối với các trường hợp mãn tính, châm huyệt Thượng Cự Hư và Túc Tam Lý song phương, hoặc chọn Trắc Tam Lý và Trắc Hạ Tam Lý dùng sau đó.
Việc lưu kim phải dài. Hai nhóm huyệt thường được lựa chọn thay thế . Nếu thời gian kéo dài hơn hai tháng, bệnh nhân cũng nên dùng phương Thuận Phong Vận Khí Tán để có hiệu quả điều trị tốt. Ngoài ra, châm thêm huyệt Thượng cự hư và Túc tam lý hoặc Trắc Tam lý và Trắc hạ tam lý . Hơn nữa, chích máu trong niêm mạc miệng ở bên bị bệnh có thể cải thiện kết quả.
Khi châm Thượng cự hư và Túc tam lý ; châm kim ở góc 45 độ xiên lên trên. Độ sâu phải là 2 thốn và thời gian lưu kim ít nhất là 60 phút, nên chích máu mỗi tuần một lần.
Nói chung, điều trị hai tuần có thể chữa khỏi hoàn toàn một trường hợp cấp tính. Điều này đòi hỏi châm cứu phải được thực hiện ít nhất 3 lần một tuần. Nếu được điều trị hai lần một ngày như tôi đã làm, hiệu quả điều trị có thể nhanh hơn.
Cần chú ý đến góc châm kim. Tốt nhất là châm kim dọc theo kinh Vị với góc 45 độ trở lên. Kinh Vị chạy từ trên xuống dưới. Điều trị được đưa ra : sau khi đạt cảm giác “đắc khí”, hướng mũi kim đi ngược chiều vận hành của kinh mạch để đón khí, chuyển khí, do đó có tác dụng của tả pháp. Châm xiên như vậy có hiệu quả tốt hơn so với châm vuông góc.
Hai huyệt này được sử dụng vì Thượng cự hư là huyệt Hợp ở dưới của Đại Trường. Châm trong các bệnh về Đại Trường (Thiên : Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình ) và Túc tam lý là huyệt Hợp, thuộc hành Thổ, một trong nhóm “Hồi Dương Cửu Châm” có tác dụng nâng cao và phục hồi Dương khí. Cả hai kinh đi lên mặt và vòng quanh môi, và do đó hai huyệt đó được chỉ định trong các bệnh về mặt và miệng. Hiệu quả điều trị cũng liên quan đến phương pháp bổ tả , thuận hay nghịch với đường kinh.
Theo kinh nghiệm của tôi, châm xiên có hiệu quả hơn so với châm vuông góc. Lưu kim ít nhất 60 phút có thể thu được kết quả tốt hơn.
Trích : Tung’s Acupuncture
Lược dịch và tổng hợp : Ths.Bs Nguyễn Xuân Hưng