III. Nguyên tắc xác định huyệt vị trên bề mặt cơ thể
1. Các nguyên tắc xác định huyệt vị trên bề mặt cơ thể:
Để xác định vị trí huyệt, vận dụng cách tiếp cận kết hợp sử dụng phân tích, thực hành lâm sàng và đo theo tỉ lệ thực tế. Trong chọn lựa y văn để phân tích, chú trọng đến y văn cổ xưa và hiện đại về vị trí huyệt châm cứu có tính ‘tiêu chuẩn quốc gia’, như Hoàng Đế Minh Đường Kinh (Huangdi Mingtang Jing, 黄帝明堂經), Châm Cứu Giáp Ất Kinh của Hoàng Phủ Mật (Mi Huangfu, Zhenjiu Jiayi Jing, 鍼灸甲乙經), Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương của Tôn Tư Mạo (Sun Simiao, Beiji Qianjin YaoFang, 備急千金要方) và Đồng Nhân Thủ Huyệt Châm Cứu Đồ Kinh của Vương Duy Nhất (Wang Wei-yi [王惟一], Tongren Shuxue Zhenjiu Tujing, 銅人腧穴針灸圖經 [Illustrated Manual of the Bronze Man Showing Acupuncture and Moxibustion Points]). Khi mô tả vị trí huyệt theo y văn cổ xưa không rõ ràng, thì sử dụng 4 nguyên tắc sau để xác định đúng vị trí.
- Ưu tiên lựa chọn phương pháp mốc giải phẫu khi phương pháp đo thốn ngón tay (finger-cun measurement) không phù hợp.
- Nên xem xét đầy đủ về tất cả các thông tin liên quan trong y văn gốc về huyệt châm cứu và vùng vị trí của nó, trình tự và tên gọi.
- Khi xác định vị trí huyệt, quan trọng là phải kiểm tra vị trí của nó trong mối tương quan với vị trí của các huyệt có liên quan khác.
- Nên tham khảo các bản vẽ huyệt châm cứu liên quan hoặc các đồ hình trong y văn gốc để nắm được vị trí huyệt tốt hơn.
2. Phương pháp xác định huyệt vị trên bề mặt cơ thể:
Có 3 phương pháp được sử dụng để xác định các huyệt châm cứu:
- Phương pháp mốc giải phẫu
- Phương pháp đo xương theo tỷ lệ thành phần bằng nhau (Cốt độ pháp)
- Phương pháp đo thốn ngón tay
Trong thực hành, cần kết hợp cả ba phương pháp khi xác định huyệt châm cứu. Phương pháp chính yếu được sử dụng là mốc giải phẫu và cốt độ pháp. Phương pháp đo thốn ngón tay có thể sử dụng khi khó xác định huyệt châm cứu với hai phương pháp trên.
Phương pháp mốc giải phẫu (anatomical landmark method):
Phương pháp này sử dụng các mốc giải phẫu trên bề mặt cơ thể để xác định vị trí huyệt. Các mốc giải phẫu có thể phân thành hai loại: mốc cố định và mốc thay đổi.
Các mốc cố định (fixed landmarks) như các ụ/lồi (protuberance) hoặc lõm (depression) hình thành bởi các khớp và các cơ; các đường viền mắt, tai, mũi và miệng; móng ngón tay và móng ngón chân; núm vú; rốn…. Ví dụ, vị trí huyệt Dương lăng tuyền (GB340) được mô tả là “phía trước và phía dưới đầu xương mác”.
Các mốc thay đổi (movable landmarks) như các khe/kẽ (gap), các lõm, nếp nhăn (wrinkle) và đỉnh/chóp (peak) xuất hiện theo sự vận động của khớp, cơ, gân và da. Ví dụ, huyệt Thính cung (SI19) nằm trong chỗ lõm hình thành ngay trước trung tâm bình tai khi miệng hơi mở.
Vị trí các mốc giải phẫu thường được sử dụng trên bề mặt cơ thể để xác định vị trí huyệt bao gồm:
- Xương sườn thứ 2: xương sườn nằm ngang mức góc xương ức; có thể sờ được phía dưới xương đòn. (Hình 17)
- Khoang gian sườn thứ 4: ngang mức núm vú ở nam. (Hình 17)
- Mỏm gai đốt sống cổ thứ 7: mỏm gai lồi cao nhất trên đường giữa cổ phía sau, nó di động khi xoay đầu. (Hình 18)
- Mỏm gai đốt sống ngực thứ 3: giao điểm của đường giữa sau và đường nối hai góc trong của xương vai, khi chủ thể đứng với tay để hai bên. (Hình 18)
- Mỏm gai đốt sống ngực thứ 7: giao điểm của đường giữa sau và đường nối hai góc dưới của xương vai khi chủ thể đứng thẳng với tay để hai bên. (Hình 18)
- Mỏm gai đốt sống ngực thứ 12: trên đường giữa sau, ngang mức trung điểm đường nối góc dưới xương vai với điểm cao nhất của mào chậu khi chủ thể đứng thẳng với tay để hai bên. (Hình 18)
- Mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ 4: giao điểm của đường giữa sau với đường nối hai điểm cao nhất của mào chậu. (Hình 18)
- Mỏm gai đốt sống cùng thứ 2: giao điểm của đường nối bờ dưới hai gai chậu sau trên với đường giữa sau. (Hình 18)
- Khe cùng: ngang mức 2 sừng cùng (sacral cornu) phía trên xương cụt, trên đường giữa sau. (Hình 18)
* Ở phía dưới mặt sau xương cùng có mào cùng tỏa ra thành là hai ngành bên hình chữ V ngược (sừng cùng), có thể sờ thấy được dưới da và giữa hai sừng cùng là khe cùng.
Phương pháp đo xương theo tỷ lệ thành phần bằng nhau (proportional bone (skeletal) measurement method):
Phương pháp đo xương theo tỷ lệ thành phần bằng nhau cũng được dùng để xác định vị trí huyệt trên cơ thể. Phương pháp này sử dụng các mốc giải phẫu trên bề mặt cơ thể, các khớp chính, để đo chiều dài và chiều rộng các phần khác nhau của cơ thể. Xác định huyệt châm cứu dựa trên việc đo các phần khác nhau của cơ thể từ sách Linh Khu thiên Cốt Độ, kết hợp với phương pháp phân chia các phần bằng nhau bởi các trường phái sau này. (Phương pháp phân chia chiều dài giữa hai điểm của các khớp cụ thể thành các phần bằng nhau. Mỗi phần là một thốn, và mười phần là một xích [chi]). Phương pháp đo xương theo tỷ lệ thành phần bằng nhau cho toàn bộ cơ thể được trình bày trong bảng sau.
Đo xương theo tỉ lệ thành phần bằng nhau (Hình 19, 20 và 21)
Đầu và mặt | Thốn | Nguồn |
Từ điểm giữa chân tóc trước đến điểm giữa chân tóc sau | 12 thốn-B | Linh Khu |
Từ điểm giữa trên gốc mũi (glabella) đến điểm giữa chân tóc trước | 3 thốn-B | Thánh Huệ Phương |
Giữa hai góc chân tóc trước ở hai bên trên trán | 9 thốn-B | Giáp Ất Kinh |
Giữa hai mỏm chũm hai bên | 9 thốn-B | Linh Khu |
Ngực, bụng và hạ sườn | ||
Từ hõm ức (khuyết trên xương ức) đến điểm giữa khớp mũi ức | 9 thốn-B | Linh Khu |
Từ điểm giữa khớp sụn mũi ức đến trung tâm rốn | 8 thốn-B | Linh Khu |
Từ trung tâm rốn đến bờ trên khớp mu | 5 thốn-B | Giáp Ất Kinh |
Giữa hai núm vú | 8 thốn-B | Giáp Ất Kinh |
Vùng lưng và thắt lưng | ||
Giữa hai bờ trong xương vai hai bên | 6 thốn-B | Giáp Ất Kinh |
Chi trên | ||
Từ nếp nách trước hoặc nếp nách sau đến nếp gấp khuỷu | 9 thốn-B | Giáp Ất Kinh và Tuần Kinh Kháo Huyệt Biên |
Từ nếp gấp khuỷu đến nếp gấp cổ tay | 12 thốn-B | Linh Khu |
Chi dưới | ||
Từ bờ trên khớp mu đến nền xương bánh chè | 18 thốn-B | Linh Khu |
Từ đỉnh xương bánh chè (trung tâm hố khoeo) đến lồi mắt cá trong
Lưu ý: Từ bờ dưới lồi cầu trong xương chày (huyệt Âm lăng tuyền SP9) đến lồi mắt cá trong là 13 thốn-B. Từ bờ dưới lồi cầu trong xương chày đến đỉnh xương bánh chè là 2 thốn-B. |
15 thốn-B | Linh Khu |
Từ ụ ngoài của mấu chuyển lớn (xương đùi) đến nếp lằn khoeo | 19 thốn-B | Linh Khu |
Từ nếp lằn mông đến nếp lằn khoeo | 14 thốn-B | Đồng Nhân Thủ Huyệt Châm Cứu Đồ Kinh |
Từ nếp lằn khoeo đến lồi mắt cá ngoài | 16 thốn-B | Linh Khu |
Từ lồi mắt cá trong đến gan chân | 3 thốn-B | Linh Khu |
* Tuần Kinh Khảo Huyệt Biên (Xunjing Kaoxue Bian) (循經考穴編) (Investigations into the points along the Channels)
* Thái Bình Thánh Huệ Phương (Tai ping sheng hui fang) (太平聖惠)
Phương pháp đo thốn ngón tay (finger-cun):
Phương pháp đo thốn ngón tay liên quan với phương pháp đo theo tỉ lệ thành phần bằng nhau để xác định các huyệt châm cứu dựa trên việc đo kích thước các ngón tay của người. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chi dưới.
Khi xác định huyệt châm cứu, thực tập viên, ngoài sử dụng phương pháp đo xương theo tỉ lệ thành phần bằng nhau, có thể sử dụng thốn ngón tay của bệnh nhân đã đo để kiểm tra vị trí các huyệt chuẩn hóa.
Thốn ngón giữa (middle-finger cun): Khoảng cách giữa hai đầu tận cùng hai nếp lằn phía ngoài của các khớp gian đốt ngón tay ngón tay giữa là 1 thốn-F khi ngón cái và ngón giữa gấp lại thành hình vòng tròn. (Hình 22)
Đo ngón cái (Thumb measurement): Độ rộng của khớp gian đốt ngón tay cái là 1 thốn-F. (Hình 23)
Đo độ rộng ngón tay (Finger width measurement): Khi ngón tay trỏ, giữa, nhẫn và ngón út duỗi và khép lại với nhau, độ rộng của 4 ngón tay trên nếp lằn mu tay của khớp gian đốt ngón gần của ngón tay giữa là 3 thốn-F. (Hình 24)
IV. Mô tả vị trí huyệt
Trong xác định vị trí huyệt, sử dụng phương pháp hệ tọa độ ngang và dọc càng nhiều càng tốt. Sử dụng hai đường giao nhau tạo giao điểm, trước tiên, xác định khoảng cách trên tọa độ y (trục Y) để vẽ đường ngang trên cơ thể, sau đó xác định khoảng cách trên tọa độ x (trục X) để vẽ đường thẳng trên cơ thể. Ấn bản thuật ngữ giải phẫu quốc tế mới nhất được sử dụng để mô tả các cấu trúc giải phẫu liên quan với các vị trí huyệt.
Mô tả các vị trí huyệt không bao gồm các phương pháp xác định huyệt. Các ghi chú sẽ được thêm vào, khi cần thiết, để giải thích các tư thế cụ thể của cơ thể được yêu cầu để xác định các huyệt nhất định, cũng như các kỹ thuật xác định các mốc giải phẫu trên bề mặt cơ thể, đo xương theo tỉ lệ thành phần bằng nhau và mối quan hệ với các điểm châm cứu lân cận.
Trọng tâm của việc giải thích vị trí của các huyệt dựa trên các vị trí chung của cơ thể. Chỉ những vị trí cơ thể đặc biệt đối với một vài huyệt cần có ghi chú cụ thể theo các thuật ngữ liên quan để giải thích vị trí của chúng.
Ghi chú cung cấp các giải thích bổ sung về các điểm chính liên quan sau đây đối với vị trí của các huyệt.
- Vị trí cơ thể đặc biệt cần thiết để xác định huyệt.
- Đo xương theo tỉ lệ thành phần bằng nhau
- Giải thích về phương pháp xác định các mốc giải phẫu nhất định.
- Mối quan hệ với các huyệt lân cận hay các huyệt mốc.
- Giải thích về sự khác nhau về mốc giải phẫu bề mặt giữa các giới và các cá nhân khác nhau.
V. Các vị trí huyệt gây tranh cãi
Thông qua một số hội nghị với các Nước Thành Viên được Tổ Chức Y Tế Thế Giới văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức để xem xét 92 vị trí huyệt gây tranh cãi, 86 huyệt vị đã được chuẩn hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ có thể đưa ra quyết định dự kiến về 6 huyệt còn lại. Các chuyên gia đã đồng ý là nên tiến hành thêm các nghiên cứu khoa học, chẳng hạn như các thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, đối với 6 huyệt vị còn đang tranh cãi.
6 huyệt gây tranh cãi là Hòa liêu (LI19), Nghinh hương (LI20), Lao cung (PC8), Trung xung (PC9), Hoàn khiêu (GB30) và Nhân trung (GV26). Các vị trí huyệt thay thế của chúng được mô tả trong mục “Lưu ý” trong tài liệu này.
BIÊN DỊCH: M.D. ĐOÀN VŨ XUÂN PHÚC